Năm 2008, giá thép thế giới giảm 2/3 từ mức đỉnh 1.000USD/tấn xuống đáy còn hơn 300USD/tấn, khiến cả ngành thép thua lỗ. Năm 2013 (tính đến thời điểm này), giá thép chỉ dao động quanh mốc 550USD/tấn, nhưng cũng đủ để ngành này điêu đứng. Sau rủi ro giá cả, doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ, do thị trường bất động sản “đóng băng” ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng.
Thực lực doanh nghiệp quyết định tồn tại
Quý IV-2012, tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal (MT) đã công bố lỗ 4 tỷ USD và trong những tháng đầu năm 2013, MT tiếp tục lỗ thêm 3,7 tỷ USD. Đầu năm 2013, giá cổ phiếu (CP) của MT, niêm yết tại sàn NYSE đạt khoảng 18USD/CP, nhưng đến giữa năm chỉ còn 11USD/CP, giảm gần 40% và mới tăng lại trong những tháng gần đây. Thậm chí, EPS (thu nhập trên mỗi CP) của MT có giá trị âm 3,38USD/CP.
Đặc thù của ngành thép là chi phí đầu tư rất lớn nên ẩn chứa rủi ro cao. Thế nhưng, một số doanh nghiệp khi xây dựng phương án kinh doanh không tính đến rủi ro, đã không thể phòng bị khi các biến cố xảy ra. Trong giai đoạn hiện nay, tìm được đầu ra có thể xem là giải pháp sống còn cho ngành thép. Nhưng nếu tìm đầu ra bằng cách bán phá giá, bán dưới giá thành, nhiều doanh nghiệp sẽ không trụ nổi cho đến khi lấy được thị phần. Th.S Đỗ Thanh Năm, |
2 năm trước, tại đại hội cổ đông của một doanh nghiệp sản xuất tôn, ông chủ tịch HĐQT đã rất mạnh miệng nói rằng khi giá thép về đáy các đơn vị bán đổ bán tháo thì ông mua vào, chờ giá lên đỉnh bán ra. Năm nay đỉnh của giá thép khoảng 600USD/tấn, còn đáy 500USD/tấn, có nghĩa nếu mua đáy bán đỉnh có thể lãi khoảng 20%.
Từ năm 2005 trở về trước, việc doanh nghiệp thép gia tăng tồn kho tại mức giá thấp, sau đó chờ giá lên để bán đã rất thành công, bất kể đó là doanh nghiệp sản xuất hay thương mại. Lý do, những đợt tăng giảm của giá thép diễn ra trong thời gian dài, nên khi đã tăng là tăng mạnh, lãi lớn.
Nhưng càng ngày, khi nguồn vốn đổ vào ngành gia tăng, dẫn đến lượng cung tăng vọt so với cầu, các đợt sóng cũng ngắn lại, thay vì tính bằng năm chỉ tính hàng quý, thậm chí hàng tháng. Điều này đã khiến việc nắm bắt giá đáy, giá đỉnh trở nên khó khăn, nên rất dễ xảy ra chuyện mua đỉnh, bán đáy.
Dự báo thời gian tới, cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp thép chủ yếu nằm ở vốn và thị phần. Vốn ở đây không phải để mở rộng mà để tồn tại, thậm chí có khả năng chịu lỗ.
Trong khi thị phần đảm bảo được đầu ra, vòng quay vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp, sự thanh lọc chỉ kết thúc khi những kẻ mạnh thực sự xuất hiện. Lợi nhuận hay thua lỗ, mạnh hoặc yếu trong ngành thép sẽ được quyết định bởi thực lực của từng doanh nghiệp chứ không phải do giá thép lên hay xuống.
Nghịch lý hàng tồn
Trong tháng 8-2013 đã có nhiều nhận định giá thép sẽ tăng trong tháng 9, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gia tăng mua vào. Kết quả tháng 9 thép vẫn tăng giá, nhưng không đáng kể. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu lỡ mua đỉnh trong khi giá thép tăng giảm liên tục, tức nhanh về đáy cũng nhanh lên đỉnh trở lại, tại sao không nắm giữ chờ giá thép tăng để bán?
Câu trả lời nằm ở vấn đề nguồn lực của doanh nghiệp thép đã bị bào mòn sau những giai đoạn khó khăn. Không trường vốn mà phải sử dụng vốn vay, để càng lâu tiền lãi trả càng lớn, có khi bán được hàng lợi nhuận thu được không đủ trả cho ngân hàng. Vì thế doanh nghiệp nào có lỡ mua đỉnh cũng phải bán đổ bán tháo để thu hồi vốn, chấp nhận lỗ.
Càng nhiều những đợt sóng như vậy, doanh nghiệp càng có nhiều nguy cơ bị suy kiệt. Có doanh nghiệp sản xuất tôn, nguyên liệu để trong kho, có đơn hàng nhưng không thể sản xuất. Lý do hàng tồn kho đã bị ngân hàng quản chấp, muốn lấy ra phải trả bớt nợ, nhưng không sản xuất lấy đâu ra tiền để trả.
![]() |
Đầu tư nhà máy sản xuất thép cán vẫn còn cơ hội chiếm lĩnh thị phần. |
Về lý mà nói, khi thị trường thép khó khăn, doanh nghiệp thép phải hạn chế hàng tồn kho, giảm bớt nợ vay, nhưng thực tế lại diễn ra khác hẳn. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành thép có chiều hướng gia tăng.
Nghịch lý này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, do thị trường tiêu thụ chậm nên hàng xuất kho cũng chậm. Ngoài ra, các đại lý, nhà phân phối cũng chủ động giảm lượng tồn kho để đưa về các nhà sản xuất. Thứ hai, do thị trường thép khó khăn, mỗi khi có cơ hội, thường là giá thép nhấp nhổm tăng, doanh nghiệp lại tranh thủ nhập hàng để tận dụng thời cơ. Chỉ có điều từ kỳ vọng tới thực tế đôi khi hơi khác biệt nên đã có nhiều “tai nạn” xảy ra.
Nửa đầu năm 2013, Thép Việt Ý (VIS) lãi gần 26 tỷ đồng, một kết quả không đến nỗi nào khi toàn ngành gặp khó khăn. Cũng trong khoảng thời gian này, VIS gia tăng lượng tồn kho lên gần 65%, từ hơn 730 tỷ đồng (31-12-2012) lên hơn 1.200 tỷ đồng (30-6-2013). Trong quý III, lượng tồn kho của VIS không giảm mà tiếp tục tăng thêm khoảng 12% lên 1.350 tỷ đồng, đồng thời VIS lỗ 36 tỷ đồng. Từ lãi (6 tháng), VIS chuyển ngược sang lỗ (9 tháng) 10 tỷ đồng. VIS không phải là trường hợp cá biệt gia tăng tồn kho để rồi gặp những kết quả không thuận lợi.
Với những doanh nghiệp mới đầu tư thêm để nâng công suất, khó khăn còn đến từ đầu vào. Năm 2012, Pomina (POM) đưa nhà máy luyện thép với công suất 1 triệu tấn/năm vào hoạt động, nâng tổng công suất của công ty lên 1,5 triệu tấn/năm.
Nhà máy này có tổng vốn 2.222 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng (chiếm gần 54%). Về mặt kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, nhà máy luyện thép của POM được đánh giá cao, nhưng đầu tư tốn kém cũng khiến giá thành lên cao.
6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận gộp (doanh thu trừ đi giá vốn) của POM đạt 135 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chỉ riêng chi phí lãi vay của POM cho giai đoạn này đã lên đến 132 tỷ đồng, tức xấp xỉ với lợi nhuận gộp. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến POM lỗ hơn 170 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2013. Trường hợp của POM có thể tóm gọn lại là lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi.
Mạnh ai nấy chèo?
Năm 2012, lợi nhuận của Đại Thiên Lộc (DTL) chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, nhưng số tiền trả lãi vay lớn gấp 7 lần (87 tỷ đồng). Tính đến đầu năm nay, DTL đã rót hơn 800 tỷ đồng cho dự án sản xuất tôn mạ, nhưng công ty cũng vấp phải một loạt khó khăn bị ngân hàng rút vốn đột ngột, hàng tồn kho cao, dẫn đến mất cân đối tài chính.
Hiện lượng thép tiêu thụ chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu, còn thị trường trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng việc sử dụng vốn vay với lãi suất cao đã khiến giá thành sản xuất thép trong nước bị đội lên, nên không dễ cạnh tranh với các nước khác. Nhiều doanh nghiệp thép hiện đang lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, chủ yếu là những đơn vị mới, chưa có thương hiệu nên dù bán giá thấp cũng không ai mua. Ông Nguyễn Tiến Nghi, |
Hướng đi của DTL đã từng đúng, đem lại lợi ích cho công ty, nhưng đặt trong thực tế hiện nay lại khác. Từ đây cũng đặt ra vấn đề liên quan đến chiến lược một số doanh nghiệp thép. Trong định hướng phát triển đến năm 2015, Thép Nam Kim (NKG) đề ra mục tiêu đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Kết thúc năm 2012, NKG đạt gần 3.000 tỷ đồng, nửa đầu năm 2013 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tức vẫn còn cách rất xa với mục tiêu công ty đề ra. Với một định hướng cao vời vợi như vậy, liệu NKG có khả năng hoàn thành? Nếu có, chắc ngoài sức lực của doanh nghiệp còn phải phụ thuộc vào những yếu tố liên quan như thị trường, sự phục hồi của nền kinh tế - những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Còn nếu không hoàn thành được đưa ra định hướng để làm gì?
Hiện tại, tổng lượng tiêu thụ thép hàng năm của nước ta khoảng 11,5 triệu tấn, trong đó mặt hàng thép dẹt (thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội) đã 5,5 triệu tấn. Điều đáng chú ý là mặt hàng thép cán nóng hầu hết phải nhập khẩu.
Điều đó có nghĩa nếu các đơn vị sản xuất trong nước tham gia sản xuất thép cán nóng vẫn có cơ hội chiếm lĩnh mặt thị phần, vì đây là nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất như ô tô, xe máy, cầu đường và cho cả sản xuất tôn mạ. Nhưng đáng tiếc, nhiều công ty lại đổ dồn về mảng thép xây dựng, để rồi mắc kẹt khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
- 29/11/2013 03:43 - Doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể tham gia các…
- 29/11/2013 03:40 - Thực hiện giải pháp đồng bộ hỗ trợ ngành Cơ khí ch…
- 20/11/2013 02:23 - Thép lò xo – đặc điểm thành phần hóa học
- 11/11/2013 03:05 - Ngành Thép tăng trưởng nhờ xuất khẩu
- 11/11/2013 03:01 - Việt Nam không bán phá giá ống thép vào Hoa Kỳ
- 04/11/2013 07:51 - Vinacomin xem xét phương án khai thác than tại 3 m…
- 28/10/2013 01:32 - Đổi mới công nghệ lợi nhưng khó làm
- 28/10/2013 01:26 - Ứng dụng vật liệu kết cấu nano-cacbon chế tạo lớp …
- 22/10/2013 03:33 - Tổng quan về thép ổ bi
- 22/10/2013 03:32 - Nhiều công ty cơ khí Ấn Độ sẽ đến Việt Nam